Nhiễm trùng là gì?

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất trong các dịch vụ thẩm mỹ nội khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Với filler, tỷ lệ nhiễm trùng sau tiêm thường khá thấp nhưng nó lại để lại những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng với sức khỏe, cuộc sống, nhan sắc thậm chí là cả tính mạng.

Tình trạng nhiễm trùng hay nhiễm khuẩn xảy ra khi có sự tăng sinh của các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng… Điều này sẽ dẫn tới các phản ứng tế bào, tổ chức hoặc phản ứng toàn thân và những ảnh hưởng nghiêm trọng khác.

Nhiễm trùng có thể xuất hiện theo vị trí. Nhưng nó cũng có thể xâm nhập vào đường máu và gây nhiễm trùng huyết, loại nhiễm trùng nguy hiểm nhất. Nếu không xử lý sớm sẽ có thể khiến cho người bệnh bỏ mạng.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau tiêm filler và cách xử lý an toàn

Nhiễm trùng sau tiêm filler là gì?

Đây là tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra ngay sau khi tiêm filler hoặc sau một thời gian dài tiêm filler. Đây là dạng nhiễm trùng da, thường là nhiễm trùng tại chỗ bởi vị trí bị ảnh hưởng sẽ là những vùng được tiêm filler trước đó.

Nhiễm trùng sau tiêm filler là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất liên quan đến phương pháp làm đẹp này. Đa phần sẽ xảy ra ở các dịch vụ tiêm filler tại nhà, tiêm filler tự phát tại Spa và không có sự chỉ định hay hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa có tay nghề.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau tiêm chất làm đầy gồm:

  • Loại filler được sử dụng là sản phẩm kém chất lượng, được pha tạp chất gây ra các phản ứng kích ứng, dị ứng sau tiêm và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Không đảm bảo các yếu tố vô trùng, vô khuẩn trong và sau khi tiêm filler. Bao gồm dụng cụ tiêm không sạch sẽ, môi trường không vô khuẩn, người thực hiện tiêm không vệ sinh tay đúng chuẩn và không làm sạch da trước khi tiêm.
  • Nhiễm trùng sau tiêm filler cùng có thể xuất phát từ thói quen chăm sóc da không đúng của người bệnh. Ví dụ như việc không giữ cho da được sạch khiến cho các tổn thương bị vi khuẩn xâm nhập và gây ra các phản ứng bất thường.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau tiêm filler là gì?

Nếu các dấu hiệu nhiễm trùng xảy ra sau một vài ngày sẽ được gọi là phản ứng sớm. Dạng biến chứng này thường dễ gặp hơn và việc xử lý cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, có nhiều người bị phản ứng nhiễm khuẩn muộn (nhiễm trùng sau một thời gian dài sau thủ thuật tiêm). Trong trường hợp này, dấu hiệu nhiễm trùng thường phức tạp hơn và đòi hỏi phải xử lý nhanh chóng, đúng cách.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau tiêm filler sẽ có điểm tương đồng và cũng có thể có khác biệt so với các dạng nhiễm trùng khác. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Vùng được tiêm filler trước đó bỗng dưng bị sưng phù, hiện tượng sưng bất thường và có chiều hướng sưng nhiều dù cho đã thực hiện xử lý bằng chườm lạnh.
  • Dấu hiệu đau nhức sẽ là triệu chứng tiếp theo cảnh bảo nguy cơ nhiễm trùng sau tiêm filler. Tình trạng đau nhức tại chỗ và đau lan tỏa ra các vùng da chứa filler.
  • Tiếp theo là việc xuất hiện các ổ áp xe lớn nhỏ trên da. Da căng phồng và bên trong các ổ áp xe thường sẽ có chứa nhiều dịch mủ.
  • Khi các ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm, hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm cho người bệnh…

Ngoài ra, các dấu hiệu toàn thân cảnh báo nhiễm trùng sẽ gồm sốt từ nhẹ đến cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Nhiễm trùng sau tiêm filler có nguy hiểm không?

Nhiễm trùng sau tiêm filler là một biến chứng thẩm mỹ đặc biệt nguy hiểm. Nếu không xử lý tốt thì vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ, hoặc gây nhiễm trùng máu ảnh hưởng đến tính mạng.

Còn với các trường hợp được xử lý không sớm, không đúng cách, ổ nhiễm trùng có thể gây tổn thương da và từ đó để lại những vết sẹo lõm sâu trên gương mặt. Điều này tác động đến thẩm mỹ da liễu và sự tự tin của người bệnh.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau tiêm filler và cách xử lý an toàn

Xử lý nhiễm trùng sau tiêm filler bằng cách nào?

Trong  mọi trường hợp nhiễm trùng sớm hoặc nhiễm trùng muộn các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để cho bệnh nhân có thể ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng. Tuy nhiên, dùng thuốc như thế nào, dùng trong thời gian bao lâu và loại thuốc nào sẽ còn tùy  theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc tại nhà để tránh nhiễm trùng nặng hơn.

Với các trường hợp nhiễm trùng nặng, các ổ áp xe xuất hiện thì các bác sĩ sẽ phải nhanh chóng rạch khối áp xe vùng má để loại bỏ tổ chức mủ viêm dưới da. Thủ thuật được tiến hành thuận lợi và xử trí triệt để. Với các trường hợp phải xử lý bằng thủ thuật sẽ không thể thể loại bỏ được nguy cơ sẹo xấu.

Chú ý, nhiễm trùng sau tiêm filler cần được xử lý càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ trong thăm khám và điều trị chính bệnh nhân sẽ là người phải gánh chịu hậu quả.

Làm sao để tránh nhiễm trùng sau tiêm filler

Mọi thủ thuật thẩm mỹ đều có thể gây ra nhiễm trùng. Do đó, để có thể tiêm filler một cách an toàn, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn da khách hàng cần chú ý những điều sau:

Tìm hiểu kỹ về dịch vụ tiêm filler và chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ.

  • Lựa chọn địa chỉ tiêm filler uy tín. Nên thực hiện tại các bệnh viện hoặc các phòng khám được cấp phép rõ ràng.
  • Chú ý lựa chọn sản phẩm filler chính hãng. Không mua filler trôi nổi trên thị trường để tránh biến chứng nhiễm trùng và nhiều ảnh hưởng khác.
  • Quy trình tiêm filler phải chuẩn y khoa. Trong đó quan trọng nhất là các yếu tố vô trùng, vô khuẩn trong thẩm mỹ.
  • Dụng cụ tiêm filler phải đảm bảo sạch. Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm với người khác hoặc đã qua sử dụng.
  • Chỉ tiêm filler với các bác sĩ chuyên khoa. Đó là những người được đào tạo về tạo hình – thẩm mỹ hoặc da liễu theo đúng quy định…