Mụn ẩn rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, nếu chủ quan mụn sẽ hình thành viêm nhiễm và để lại sẹo rỗ. Bài viết sau đây sẽ cho bạn biết tại sao điều trị mụn ẩn mãi không hết.

Mụn ẩn là gì?

Mụn ẩn là loại mụn không viêm thường xuất hiện ở bất cứ vùng da nào tập trung nhiều tuyến nhờn, đặc biệt là mụn mọc ở trán, xung quanh chân tóc, má, cằm… Chúng được hình thành do sự tích tụ dầu thừa, bã nhờn, bụi bẩn và da chết gây bít tắc lỗ chân lông, tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập và trú ngụ, lâu ngày sinh ra nhân mụn.

Việc điều trị không đúng cách có thể khiến mụn ẩn chuyển biến thành mụn viêm, mụn mủ để lại vết thâm, thậm chí dẫn đến sẹo rỗ.

Mụn ẩn có nhân nằm sâu bên trong nang lông, không gây mưng mủ, viêm sưng, đau nhức.

5 sai lầm thường gặp khiến mụn ẩn trị mãi không hết

Mặc dù mụn ẩn không ảnh hưởng quá nhiều về mặt thẩm mỹ như mụn viêm nhưng mụn ẩn rất dễ quay trở lại ngay cả khi bạn đã chăm sóc da rất kỹ và lấy nhân mụn thường xuyên. Nói như vậy không có nghĩa là “hết cách” chữa trị mụn ẩn. Chúng sẽ được loại bỏ sớm nếu bạn có thói quen chăm sóc da khoa học và tránh được 5 sai lầm thường gặp dưới đây.

Không tẩy trang cuối ngày

Thói quen không tẩy trang cuối ngày có thể là nguyên nhân đầu tiên khiến cho việc điều trị mụn ẩn của bạn mãi không có kết quả. Tẩy trang không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ lớp trang điểm mà còn giúp loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn trên da, rất cần thiết ngay cả khi bạn không trang điểm. Bên cạnh đó, việc dùng kem chống nắng hàng ngày cũng khiến làn da dễ bít tắc lỗ chân lông bởi những thành phần hóa học có trong sản phẩm. Vì vậy, việc tẩy trang cuối ngày là hết sức cần thiết.

Bỏ qua bước tẩy tế bào chết:

Làm sạch da là bước cơ bản, quan trọng nhất trong phác đồ chăm sóc da mụn ẩn. Tế bào chết sẽ khiến da sừng hóa và làm bít tắc lỗ chân lông, đặc biệt da đổ nhiều dầu còn tạo điều kiện cho vi khuẩn và bụi bẩn bám vào, xâm nhập vào bên trong da hình thành nhân mụn.

Lạm dụng mỹ phẩm trang điểm:

Khi bạn quá lạm dụng vào kem che khuyết điểm, kem nền…sẽ khiến da dễ bị bít tắc, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn C.acnes phát triển. Ngoài ra, các dụng cụ trang điểm như cọ, bông phấn…không được vệ sinh thường xuyên cũng có thể trở thành “thủ phạm” khiến cho tình trạng mụn ẩn của bạn mãi không thuyên giảm.

Làm sạch da 2 lần/ ngày là bước cơ bản nhất trong phác đồ chăm sóc da mụn ẩn.

Sử dụng mỹ phẩm sinh nhân mụn, không phù hợp hoặc kém chất lượng:

Khi xuất hiện mụn, có thể những sản phẩm bạn đang sử dụng không phù hợp với làn da, hoặc dùng mỹ phẩm có chứa những thành phần sinh nhân mụn (chất nền hoặc dưỡng ẩm) thường dễ gây ứ đọng tế bào, bít tắc lỗ chân lông và hình thành mụn. Hơn nữa, một số loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng cũng khiến tình trạng da trở nên tồi tệ, mụn lan nhanh và rất khó khăn cho việc điều trị.

Tự nặn mụn tại nhà

Mụn ẩn có nên nặn không? Mụn ẩn thường khó thấy bằng mắt thường và nhiều trong số đó chưa hình thành nhân hoặc nhân nằm sâu bên dưới da. Do đó việc cố đè nặn mụn một cách thô bạo sẽ không giải quyết được vấn đề, thậm chí dễ khiến mụn trở nên viêm nhiễm và để lại thâm sẹo. Do đó cần lấy nhân mụn đúng cách và đúng lúc, tốt nhất không nên tự nặn mụn ẩn tại nhà, hãy đến các cơ sở y tế để được lấy nhân mụn theo quy trình chuẩn y khoa giúp hạn chế tình trạng thâm sẹo.

Không nên tự ý nặn mụn ẩn nếu không có kỹ thuật chuyên môn để tránh tình trạng nặng hơn.
Không nên tự ý nặn mụn ẩn nếu không có kỹ thuật chuyên môn để tránh tình trạng nặng hơn.

Nên chọn sản phẩm nào để trị mụn ẩn hiệu quả?

Đối với sản phẩm làm sạch (tẩy tế bào chết/ Toner)

Đối với làn da bị mụn ẩn bạn có thể sử dụng những sản phẩm làm sạch da có chứa thành phần AHA/BHA

  • Sử dụng AHA: AHA tan trong nước, do đó nó hoạt động trên bề mặt da loại bỏ lớp sừng chết bên ngoài, làm sạch và thông thoáng lỗ chân lông. Không những thế, AHA còn giúp sản sinh lớp sừng mới, tăng cường độ dày cho lớp biểu bì, làm da sáng khỏe, kích thích sản sinh collagen và elastin, giảm các dấu hiệu lão hóa và dưỡng ẩm da bằng cách giúp các tế bào của da hấp thu nước.
  • Sử dụng BHA: BHA tan trong dầu, nó có thể thấm sâu vào lỗ chân lông, ban đầu BHA sẽ làm bong lớp sừng lên để dễ dàng thâm nhập sâu vào các lỗ chân lông, qua đó đẩy mụn ra ngoài, loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa. Ngoài ra, BHA còn kích thích khả năng tự tái tạo và phục hồi da do mụn gây nên. BHA cũng có khả năng làm giảm các vết thâm do mụn.
Tẩy da chết 2 lần/tuần sẽ giúp bạn điều trị mụn ẩn hiệu quả hơn.

Đối với sản phẩm chăm sóc da hàng ngày

Một làn da đẹp không nhất thiết là phải sử dụng mỹ phẩm đắt tiền mà quan trọng sản phẩm đó có phù hợp với tình trạng da của bạn hay không. Để làn da không sinh mụn bạn nên chọn những sản phẩm phù hợp với làn da của mình, đồng thời đáp ứng 2 tiêu chí cơ bản nhất sau đây:

  • Sản phẩm không nên chứa thành phần sinh nhân mụn: Để có được một làn da khỏe, bạn nên chọn sản phẩm phù hợp với làn da, không chứa các thành phần sinh nhân mụn, không chứa dầu (oil free), không gây tắc nghẽn lỗ chân lông (non-comedogenic).
  • Sản phẩm có kết cấu lỏng nhẹ: Tốt nhất là dạng gel hoặc lotion, tránh các sản phẩm có kết cấu kem dày đặc.

Đối với sản phẩm thoa đặc trị

Để trị mụn ẩn có hiệu quả bạn nên chọn những sản phẩm có chứa những thành phần sau:

  • Salicylic acid: Đây là một trong những thành phần lành tính và an toàn nhất, giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, ngăn ngừa mụn quay trở lại. Được sử dụng cho mọi loại da kể cả làn da nhạy cảm.
  • Retinoid: Là loại thuốc đặc trị từ mụn nhẹ đến mụn nặng, có khả năng kháng khuẩn, ngăn ngừa mụn mới hình thành, giúp làm dịu vết đỏ và sưng tấy. Tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng có thể làm da bị đỏ rát, khô ráp như lột da và châm chích.
  • Azelaic acid: Sản phẩm có tác dụng thấm sâu vào các lỗ chân lông, loại bỏ những vi khuẩn trong nang lông, giảm sưng viêm, ngoài ra còn giúp tẩy da chết tự nhiên, ngăn chặn sự chồng chất của các lớp da chết trên bề mặt da, hạn chế khả năng tiết dầu trên da.

Lời khuyên: Nếu không muốn làn da của mình sần sùi đầy mụn ẩn bạn nên chọn những sản phẩm thuốc trị mụn ẩn theo sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn, không tự ý mua và sử dụng, vì nếu sử dụng không đúng chỉ định hoặc không đúng nồng độ, liều lượng có thể khiến da dễ kích ứng, và làm tình trạng mụn thêm tồi tệ.