Bọt biển rửa mặt là gì?

Bọt biển rửa mặt là một sản phẩm có kết cấu xốp mềm, thiết kế hình bầu dục hoặc hình tròn, có tính đàn hồi cao. Bề mặt miếng bọt biển có rất nhiều lỗ to nhỏ khác nhau, giúp thấm hút dễ dàng hơn. Bọt biển ban đầu hơi cứng và khô, khi sử dụng cần ngâm trong nước ấm để làm mềm. Bọt biển có nhiều màu sắc khác nhau, tùy vào thành phần được bổ sung. Chẳng hạn, bọt biển màu xanh được bổ sung tinh chất trà xanh, bọt biển màu đen thêm vào than tre hoạt tính, bọt biển màu hồng/đỏ có thành phần đất sét.

Dùng bọt biển rửa mặt có tốt hay không?

Rửa mặt sạch sẽ là công đoạn chăm sóc da quan trọng, quyết định hiệu quả của các công đoạn dưỡng da sau đó. Sử dụng tay để rửa mặt đôi khi không đủ, thậm chí nếu bàn tay chứa vi khuẩn có thể sẽ tác động tiêu cực lên da, khiến tình trạng da xấu đi. Do đó, dùng dụng cụ rửa mặt để làm sạch là phương pháp tối ưu được chị em ưa chuộng nhằm mang lại những gì tốt nhất cho da.

Trong các loại dụng cụ rửa mặt hiện tại, bọt biển được xem là an toàn nhất, giúp da mềm mại sau quá trình làm sạch. Thành phần bọt biển có nguồn gốc thiên nhiên, kết cấu bọt biển phù hợp với công dụng làm sạch., mức giá cũng rất phải chăng. Bọt biển không gây đau rát khi sử dụng trên da mặt, giúp da được bảo vệ tốt hơn. Kết hợp bọt biển với sữa rửa mặt sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ cho da mặt, giúp sữa rửa mặt được đưa vào sâu bên trong da và phát huy tác dụng làm sạch.

Dùng bọt biển để rửa mặt có ưu và nhược điểm gì?

Ưu điểm

– Khả năng làm sạch tốt, mềm mại cho da.

– Sử dụng dễ dàng, đơn giản.

– Giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền mọi người.

– Ngoài da mặt, bạn có thể dùng bọt biển cho các vùng da khác trên cơ thể.

Nhược điểm

Nhược điểm duy nhất của bọt biển là độ bền không cao. Với một miếng bọt biển rửa mặt hằng ngày, bạn chỉ có thể sử dụng khoảng 2 tuần. Sau thời gian này, bạn nên thay miếng bọt biển mới để đảm bảo kết cấu đúng chuẩn giúp làm sạch da tốt hơn. Hoặc bạn cũng nên thay mới khi tình trạng bọt biển không còn nguyên vẹn như bị rách, mềm nhũn…

Mỗi loại bọt biển có thành phần khác nhau, mang đến ưu - nhược điểm riêng

Cách rửa mặt bằng bọt biển đúng cách

Sử dụng 2 lần/ngày

Bọt biển ngoài khả năng làm sạch da còn kết hợp tẩy tế bào chết nhẹ nhàng cho da, không gây kích ứng mạnh như khi bạn sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt. Bạn có thể sử dụng bọt biển để rửa mặt vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

Sử dụng với sữa rửa mặt

Miếng bọt biển phát huy tác dụng làm sạch ngay cả khi bạn chỉ rửa mặt bằng nước. Tuy nhiên, hiệu quả còn tốt hơn khi bạn kết hợp với sữa rửa mặt. Nhờ kết cấu của bọt biển, các tinh chất làm sạch trong sữa rửa mặt sẽ thẩm thấu sâu trong da. Bạn có thể sử dụng bọt biển để rửa với sữa rửa mặt, sau đó rửa lại bằng nước sạch để tăng hiệu quả vệ sinh da.

Massage da theo chuyển động tròn

Những chuyển động tròn cùng bọt biển trên da mặt giúp bạn loại bỏ bụi bẩn, lớp trang điểm hằng ngày. Bạn có thể di chuyển bọt biển nhẹ nhàng mà không lo da bị đau rát, đặc biệt ở các khu vực khó làm sạch như kẽ mũi, cằm…

Rửa sạch và phơi khô bọt biển 

Sau khi hoàn thành quy trình rửa mặt đúng chuẩn, bạn nhớ làm sạch bọt biển, ép nước ra hết rồi phơi khô. Bọt biển không nên để ở khu vực bồn rửa sẽ dễ bị ẩm mốc, bạn nên treo lên cao để nhanh khô thoáng.

Các bước rửa mặt bằng bọt biển theo trình tự như sau:

– Ngâm bọt biển trong nước ấm khoảng 30 giây để bọt biển nở và mềm hẳn.

– Cho sữa rửa mặt lên trên bọt biển rồi thoa đều khắp mặt. Trong lúc thoa mặt bạn có thể bóp nhẹ miếng bọt biển để tạo bọt và sữa rửa mặt cũng thẩm thấu vào da nhanh hơn.

– Massage da mặt với miếng bọt biển theo chiều xoắn ốc, làm nhẹ nhàng khoảng 1 – 2 phút là có thể rửa lại mặt với nước sạch.

– Nhẹ nhàng ép miếng bọt biển bằng 2 tay dưới nước để sạch sữa rửa mặt và ráo nước.

– Treo miếng bọt biển ở nơi khô ráo để sử dụng trong lần tiếp theo.

Rửa mặt với bọt biển và sữa rửa mặt giúp da sạch sâu

Rửa mặt bằng bọt biển cần lưu ý những gì?

Một số lưu ý dưới đây giúp bạn rửa mặt bằng bọt biển đúng cách và mang lại hiệu quả làm sạch:

– Không sử dụng bọt biển để rửa mặt khi da nổi mụn nặng, da kích ứng hoặc có bị trầy xước.

– Thay bọt biển sau 2 – 3 tuần sử dụng liên tục.

– Sau khi cho sữa rửa mặt ra bọt biển, bóp nhẹ 2 – 3 lần để tạo bọt.

– Bảo quản bọt biển luôn khô ráo, tránh vi khuẩn xâm nhập hoặc ẩm mốc, nên phơi ở nơi có ánh nắng mặt trời chiếu vào.

– Trường hợp bạn có làn da nhạy cảm, da dễ kích ứng, bạn không nên sử dụng bọt biển để rửa mặt quá thường xuyên sẽ khiến mất cân bằng pH, độ ẩm, da trở nên nhạy cảm hơn và có thể nổi mụn.

– Sử dụng toner, lotion hoặc kem dưỡng ẩm sau khi rửa mặt với bọt biển để làm dịu da nhanh chóng.

Rửa mặt bằng bọt biển nên sử dụng những loại nào?

Có nhiều loại bọt biển, phù hợp với từng loại da và hoàn cảnh da mặt khác nhau. Chẳng hạn, đối với da có lớp trang điểm, bạn nên sử dụng loại bọt biển có thành phần than hoạt tính để làm sạch sâu và loại bỏ hoàn toàn mỹ phẩm ra khỏi da. Những loại bọt biển có thành phần đất sét, than tre, trà xanh… có thể sử dụng 2 – 3 ngày một lần. Trong khi đó, miếng bọt biển trắng/vàng nhạt dịu nhẹ hơn có thể sử dụng hằng ngày.

Rửa mặt bằng bọt biển có tác dụng phụ nào hay không?

Tác dụng phụ khi rửa mặt bằng bọt biển chủ yếu xảy ra với những bạn sở hữu làn da quá nhạy cảm, da dễ kích ứng hoặc da đang bị tổn thương. Thời gian đầu sử dụng bọt biển, bạn nhớ theo dõi tình trạng da sau khi rửa mặt. Nếu có các biểu hiện như nổi mẩn đỏ, ngứa da, da trở nên sần sùi, khô ráp hoặc bong tróc… hãy ngừng sử dụng ngay và làm dịu da cấp tốc.