Tái tạo da là gì?
Tái tạo da là quá trình thay thế, loại bỏ các tế bào da cũ, hư tổn, xỉn màu để các tế bào da mới, khỏe mạnh hơn có cơ hội phát triển. Thông thường, cơ chế tái tạo da tự nhiên của mỗi người là khoảng từ 28-32 ngày, khi đó các tế bào da cũ sẽ được đẩy lên bề mặt và bắt đầu bong tróc. Khi các tế bào cũ bong ra thì các tế bào con sẽ tiếp tục phát triển.
Thế nhưng, nếu như tế bào da cũ còn tồn đọng quá lâu trên da, sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và mụn hình thành. Do đó, nếu muốn da đẹp hơn, bạn cần phải thúc đẩy quá trình tái tạo da diễn ra nhanh hơn.
Những trường hợp da cần tái tạo
- Da lão hóa, chảy xệ, kém săn chắc, có nếp nhăn, vết chân chim…
- Da sạm nám, xỉn màu, không đều màu.
- Da bị các tổn thương sau mụn như: thâm, sẹo, lỗ chân lông to.
- Da hư tổn do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng.
Các phương pháp tái tạo da
Có nhiều phương pháp khác nhau để tái tạo da, nhưng thường thấy nhất là những phương pháp sau:
Sử dụng hoạt chất tái tạo da
Đây là phương pháp khá phổ biến và được nhiều chị em áp dụng. Những hoạt chất tái tạo da thường là các hoạt chất có tính acid như: Alpha Hydroxy Acid (AHA), Beta Hydroxy Acid (BHA) với nồng độ khác nhau nhằm giúp đẩy mạnh quá trình loại bỏ lớp sừng chết trên da, tăng sinh tế bào da mới. Bên cạnh đó, một số hoạt chất tái tạo da khác thường được sử dụng như: Vitamin C, retinoids, tretinoin cũng rất được lòng các tín đồ skincare
Lăn kim
Lăn kim là phương pháp làm đẹp không còn quá xa lạ đối với các chị em. Cơ chế tái tạo da bằng lăn kim là tạo nên những tổn thương nhỏ trên da, từ đó kích thích da tăng sinh collagen và tái tạo các tế bào da mới, khỏe mạnh và mịn màng hơn. Tuy đây là phương pháp làm đẹp phổ biến nhưng lại có thể mang đến rủi ro nếu như bạn không tìm hiểu kỹ và chọn đúng cơ sở uy tín để thực hiện.
Sử dụng laser
Tái tạo da bằng tia laser là một phương pháp khá hiệu quả nhất là đối với những là da đang gặp vấn đề về sẹo mụn, nám, tàn nhang… Cơ chế hoạt động của laser là sử dụng các bước sóng khác nhau xâm nhập sâu vào bên trong da từ đó giải quyết các vấn đề da, thúc đẩy tăng sinh collagen, làm da săn chắc, mềm mịn. Tuy nhiên, sử dụng laser cũng là một phương pháp bạn cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện vì laser là phương pháp tái tạo da mạnh, sau laser da thường sẽ có dấu hiệu sưng và viêm đỏ vì vậy những làn da mỏng yếu không nên sử dụng cách này.
Cách phục hồi da sau tái tạo
Dù cho bạn chọn phương pháp tái tạo da nào, thì sau đó da vẫn phải cần một chế độ chăm sóc đặc biệt để nhanh phục hồi những tổn thương trong quá trình tái tạo và gia tăng sức khỏe làn da.
Dưỡng ẩm, cấp nước cho da
Sau tái tạo, da sẽ có những hiện tượng như khô, bong tróc, vì vậy bạn cần dưỡng ẩm đầy đủ để tránh da bị mất độ ẩm, hạn chế khô căng trên da. Bạn nên dùng các sản phẩm cấp ẩm phù hợp, có chứa các hoạt chất có khả năng bổ sung ẩm cho da như: HA, Glycerin… và duy trì thoa dưỡng thường xuyên trong suốt quá trình phục hồi da.
Sử dụng serum phục hồi da
Serum phục hồi da là sản phẩm chăm sóc đặc biệt cho da sau tái tạo vô cùng hiệu quả và được rất nhiều chị em trong giới skincare yêu thích. Những hoạt chất thường có trong serum phục hồi da như: Peptide,Vitamin B3, Vitamin B5, Niacinamide, Collagen peptide,… Các hoạt chất này sẽ thúc đẩy quá trình làm lành những tổn thương trên da bằng cách tăng sinh tế bào mới từ đó da sẽ nhanh phục hồi và sớm lấy lại vẻ tươi tắn, mịn màng. Vì vậy, sau khi sử dụng các phương pháp tái tạo da, bạn cần tăng cường sử dụng serum phục hồi da trong routine dưỡng da hằng ngày của mình.
Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời
Da sau tái tạo thường rất nhạy cảm, vì vậy những tác động từ môi trường như: ánh nắng, tia UV, khói bụi… cũng hoàn toàn có thể khiến da gặp phải nhiều vấn đề hơn. Do đó, bạn cần bảo vệ thật kỹ cho làn da sau tái tạo bằng cách: sử dụng kem chống nắng thường xuyên, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, che chắn vật lý với áo khoác, mũ, kính râm khi phải đi ra ngoài.