Mụn viêm là gì?

Mụn viêm là loại mụn trứng cá nặng. Biểu hiện thường thấy của mụn viêm đó là viền sưng đỏ và cứng xung quanh. Ban đầu có thể khó thấy đầu nhân mụn, nhưng khi quá trình viêm nặng hơn sẽ xuất hiện nhân là các dịch màu vàng hoặc trắng bên trong. Kích thước mụn viêm có thể từ 5-10mm. Tổn thương viêm càng nhiều, càng sâu dưới da thì khả năng để lại sẹo càng cao. Chẳng hạn các mụn viêm nang, cục lớn sẽ để lại sẹo nhiều hơn.

Mụn viêm có thể khởi phát riêng lẻ hoặc thành từng cụm tại các vị trí như má, trán, mũi và cằm,… trên khuôn mặt. Việc nặn mụn viêm cũng không được khuyến khích bởi có thể làm ổ viêm, sưng to, đau, mụn tái lại nhiều lần, thậm chí gây mụn chai dưới da dai dẳng và khiến cho việc điều trị mụn gặp nhiều khó khăn.

Mụn viêm có thể khởi phát riêng lẻ hoặc thành từng cụm
Mụn viêm có thể khởi phát riêng lẻ hoặc thành từng cụm

Mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng gây bất tiện trong sinh hoạt vì thường gây đau nhức, mất thẩm mỹ và làm mất tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Chưa kể, nếu không được xử lý sớm và chăm sóc thiếu khoa học sẽ làm tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, mụn lan rộng, các biến chứng như làm thay đổi sắc tố da (trị thâm) và sẹo rỗ khó trị.

 Mụn viêm hình thành như thế nào?

Quá trình hình thành mụn viêm

Giống như các loại mụn trứng cá khác, quá trình hình thành mụn viêm cũng gồm 4 tác nhân chính:

  • Tuyến bã nhờn trên da tăng tiết dân đến dư thừa, làm tắc nghẽn nang lông.
  • Nang lông bị tắc bởi tế bào da chết, bã nhờn, khói bụi, lớp trang điểm,.. sinh ra mụn không viêm (mụn đầu đen, mụn đầu trắng).
  • Vi khuẩn gây mụn (P. Acnes)  thường sống trên bề mặt da khi gặp mồi ngon” chính là bã nhờn sẽ sinh sôi và phát triển gây mụn viêm. Biểu hiện chính là đỏ da tại chỗ và đau, ngứa xuất hiện trên da.
  • Giai đoạn viêm nhiễm: Vi khuẩn mụn tiếp tục tấn công sâu gây viêm, mủ tích tụ thành các khối lớn. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây tổn thương tới lớp hạ bì và trung bì của da, phá vỡ tổ chức mô liên kết bên dưới da. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ để lại sẹo thâm, sẹo rỗ trên da sau khi lành.

Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tình trạng mụn viêm của bạn?

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng mụn viêm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị của Bác sĩ, từ đó rút ngắn thời gian và gia tăng hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số tác nhân góp phần gây ra tình trạng mụn và khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn:

  • Vệ sinh da kém, sản phẩm làm sạch không phù hợp, trang điểm quá dày và nhiều nhưng không tẩy trang kỹ gây nên tình trạng bít lỗ chân lông.
  • Lạm dụng sản phẩm trắng da, trị mụn cấp tốc, mỹ phẩm bôi có chứa corticoid, sản phẩm tự pha chế trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ,… khiến da trở nên nhạy cảm và kéo theo một loạt vấn đề về mụn.
  • Thói quen thường xuyên nặn mụn, đưa tay lên sờ vào da mặt là cách trực tiếp đưa vi khuẩn, bụi bẩn lên da mặt, khiến mụn bị viêm nhiễm nặng nề hơn, lâu khỏi hơn và dễ bị tái đi tái lại nhiều lần tại cùng một vị trí da cũ. Chưa kể tác động đè, ép và đẩy mụn khi nặn gây áp lực và tổn thương cấu trúc da, gây sưng tấy, đau nhức và xuất hiện thâm sẹo trên da.
  • Lo âu, căng thẳng kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm sức đề kháng và gây nên tình trạng mụn xuất hiện nhiều hơn.
  • Chế độ ăn uống nhiều chế phẩm từ sữa, chất béo và carbohydrate tinh chế. đồ uống có gas cùng với caffeine,… có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Ngoài ra yếu tố di truyền, mất cân bằng hormone ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai,… có thể kích thích tuyến nhờn hoạt động mạnh làm cho da dễ bị bí lỗ chân lông và sinh ra mụn viêm.

Cơ chế điều trị mụn viêm

Việc điều trị mụn viêm sao cho có hiệu quả cần dựa trên yếu tố nguyên nhân gây mụn ở từng người, từ đó điều chỉnh yếu tố nguyên nhân cũng như tác động vào 4 giai đoạn phát triển của mụn

  • Kiểm soát và làm giảm dầu nhờn dư thừa trên da.
  • Thúc đẩy và rút ngắn thời gian bong sừng để hạn chế lỗ chân lông bị bít tắc.
  • Kìm khuẩn và diệt vi khuẩn mụn trên da, ngăn không cho xâm nhập vào các lỗ chân lông gây mụn
  • Giảm viêm nhiễm tại các nốt mụn viêm sưng đỏ, giúp mụn nhanh khô cồi và đẩy ra khỏi bề mặt da.

Vì thế khi trị mụn viêm, ngoài giữ vệ sinh da, chăm sóc da đúng cách và duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh tại nhà.

Bên cạnh đó, quá trình điều trị nên phối hợp với Bác sĩ da liễu để có phác đồ điều trị phù hợp. Thông thường sẽ có 2 giai đoạn điều trị mụn viêm: Đầu tiên là đợt điều trị bằng thuốc để kìm khuẩn và nhanh gom khô mụn.

Sau khi mụn được kiểm soát và tổn thương dần lành lại sẽ chuyển sang giai đoạn ngừa mụn bằng cách duy trì chăm sóc da với các sản phẩm chuyên biệt cho da nhờn, da mụn, giúp lỗ chân lông thông thoáng và giảm tiết dầu. Điều này cũng giúp ngăn ngừa quá trình tạo nhân mụn.

Tuy nhiên, mỗi người có nguyên nhân gây mụn, tình trạng da và mức độ nghiêm trong của mụn khác nhau. Do đó hãy thăm khám da liễu để được xác định đúng nguyên nhân, điều trị mụn đúng cơ chế và phương pháp.

Mụn viêm có tự hết không?

Trên thực tế, có đến 50% tổn thương mụn viêm sẽ tự biến mất sau khoảng 2-3 ngày. Tuy nhiên chúng sẽ lại diễn tiến như vậy, các tổn thương viêm khác lại tiếp tục xuất hiện nếu không có sự can thiệp đúng đắn và khoa học để ngăn ngừa sự tái diễn này. Đây chính là bản chất của mụn trứng cá, một bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi dứt điểm và rất dễ tái phát (theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO).

Mụn viêm có tự hết không?
Mụn viêm có tự hết không?

Vẫn có một số ít (rất hiếm) trường hợp mụn viêm tự hết khi họ điều chỉnh được các tác động, nguyên nhân chính gây nên tình trạng mụn viêm của họ mà không cần dùng đến phương pháp điều trị, tuy nhiên nó chỉ xảy ra trên những người có cơ địa không dễ bị mụn. Còn đối với các trường hợp cơ địa dễ lên mụn (Da nhờn đến rất nhờn, da nhạy cảm, dày sừng, bít tắc nang lông…) thì việc trông chờ mụn viêm sẽ tự hết theo thời gian giống như chơi một ván bài mà biết chắc phần thua sẽ thuộc về mình, chấp nhận hậu quả sau đó là những những vết thâm mụn kéo dài, nốt rỗ chằng chịt vĩnh viễn.

Như vậy, thay vì chờ mụn tự hết hãy chủ động đến thăm khám với Bác sĩ da liễu để được lên phác đồ điều trị mụn viêm sớm, đúng phương pháp, điều này có thể giúp cải thiện mụn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên như đã trình bày, mụn trứng cá là một bệnh mạn tính, do đó không có một thuốc uống, thuốc bôi trị mụn viêm vĩnh viễn mà cần phải điều trị kết hợp. Trong đó, chăm sóc da là một khía cạnh quan trọng của quá trình điều trị mụn.

Nếu bạn chăm sóc da mụn đúng cách và duy trì thực hiện đều đặn mỗi ngày bạn có thể sớm loại bỏ các nốt mụn viêm thông qua việc kiểm soát nhờn trên da, thông thoáng lỗ chân lông, ngăn vi khuẩn phát triển và chặn đứng quá trình viêm nhiễm. Đồng thời, ngăn mụn mới hình thành vì thế ngừa nguy tái phát mụn. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để sớm cải thiện tình trạng của mình.

Chăm sóc da tại nhà như thế nào để giảm mụn viêm

Chăm sóc da tại nhà như thế nào để giảm mụn viêm
Chăm sóc da tại nhà như thế nào để giảm mụn viêm

Quy trình chăm sóc da mụn viêm sẽ khác nhau tùy thuộc vào đặc tính da, tình trạng mụn, độ tuổi, thời điểm, môi trường sống của từng người. Song cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Vệ sinh da mặt sạch sẽ ( tẩy trang, rửa mặt) với sản phẩm phù hợp đặc tính da, tình trạng mụn.
  • Có thể cân bằng độ PH và làm dịu nhẹ da bằng toner không chứa cồn, hương liệu và chất tạo mùi.
  • Không sử dụng một lúc quá nhiều sản phẩm trên da nhất là mỹ phẩm trang điểm, mỹ phẩm có chứa dầu khiến lỗ chân lông bị tắc.
  • Giữ ẩm thường xuyên cho da: Dù là da mụn viêm vẫn cần dưỡng ẩm, hãy chọn dạng gel/ lotion không chứa dầu, không gây mụn, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Các thành phần như: Hyaluronic acid và Glycerin  dưỡng ẩm làm mềm da, Niacinamide hỗ trợ điều trị mụn viêm đỏ và mụn mủ cực tốt.
  • Che chắn, dùng kem hoặc/ và viên chống nắng để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV gây hại. Đặc biệt các trường hợp điều trị với thuốc Isotretinoin hoặc các phương pháp khác khiến da nhạy cảm.
  • Ăn uống đa dạng nhiều loại thực phẩm: các loại trái cây, rau củ và ngũ cốc. Hạn chế chất béo bão hoà, dầu, đường, caffeine, đồ uống có cồn.
  • Duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh: Tập Yoga, thiền, chạy bộ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giải tỏa căng thẳng, lo lắng, phiền muộn để ngăn mụn viêm đỏ do stress gây ra.
  • Bỏ thói quen nặn mụn bằng tay, sờ tay lên mặt vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn tiếp xúc lên da, gây ra các vấn đề về mụn, làm mụn bị chai cứng,…. thậm chí gián tiếp khiến mụn lây lan, viêm nặng và có nguy cơ để lại sẹo rỗ vĩnh viễn.