Mụn tuổi dậy thì là gì?
Mụn tuổi dậy thì hay mụn trứng cá dậy thì là một thuật ngữ y tế để chỉ mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, cổ hay thân mình. Tình trạng nổi mụn xảy ra khi lỗ chân lông của chúng ta bị bít kín bởi da chết và dầu, đồng thời với đó là sự tích tụ của vi khuẩn. Sau đó, da có thể bị viêm và chuyển sang màu đỏ hoặc sưng tấy.
Vì sao mụn tuổi dậy thì lại phổ biến hơn các lứa tuổi khác?
Có tới 85% thanh thiếu niên bị mụn tuổi dậy thì. Vì sao điều này lại trở nên phổ biến? Về mặt sinh lí, khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, có sự gia tăng sản xuất lượng hormone giới tính Androgen trong cơ thể, có thể nhiều đến mức dư thừa và thúc đẩy tuyến bã nhờn hoạt động quá mạnh mẽ, làm sản sinh thêm nhiều dầu và bã nhờn hơn. Điều này dễ khiến lỗ chân lông bị tắc lại và vô tình tạo điều kiện cho loại vi khuẩn gây mụn (tiêu biểu là Propionibacterium Acnes) phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh sự thay đổi về cơ thể, các bạn trẻ khi đến tuổi dậy thì thường có sự thay đổi lớn về lối sống, sinh hoạt hằng ngày kém điều độ, thức khuya thường xuyên, ăn uống các thức ăn nhiều dầu mỡ cùng với đó là bắt đầu sử dụng các sản phẩm tác dụng lên da. Các yếu tố trên góp phần làm cho tình trạng mụn tuổi dậy thì nghiêm trọng và dai dẳng.
Các loại tổn thương mụn tuổi dậy thì phổ biến nhất
Tổn thương mụn dậy thì thường được chia thành 2 loại cơ bản: Tổn thương không viêm và tổn thương viêm.
Tổn thương không viêm
Bao gồm 2 loại cơ bản:
- Mụn đầu trắng: những tổn thương đốm trắng hay xám trên bề mặt da. Hay còn gọi là ‘nhân mụn đóng’ vì các tế bào da ngăn chặn hoàn toàn lỗ chân lông.
- Mụn đầu đen: những tổn thương đốm nâu hay đen trên bề mặt da. Hay còn gọi là ‘nhân mụn mở’ vì các tế bào da chỉ chặn một phần lỗ chân lông nên phần nhân mụn chứa các tế bào chết tiếp xúc với oxy không khí làm cho đầu mụn có màu đen hoặc nâu đặc trưng.
Tổn thương viêm
Các tổn thương mụn viêm tuổi dậy thì có thể tồn tại ở cả 3 dạng sau:
- Sẩn đỏ (Papules) và Mụn mủ (Pustules): là những tổn thương viêm ban đầu thường < 5mm, trong đó mụn mủ thường có nhân màu trắng hoặc vàng, là kết quả của sự tích tụ các tế bào bạch cầu bên trong lỗ chân lông, ta hay gọi là mủ.
- Mụn bọc Nodules (nặng): Là những tổn thương xơ lớn (đường kính trên 5mm) không chứa nhân màu trắng hoặc vàng, và có màu đỏ, sưng và thường đau. Thường thấy nhất là mụn bọc ở má, cằm, trán, hình thành do lỗ chân lông bị tắc hoàn toàn phá vỡ sâu trong da dẫn đến phản ứng viêm nghiêm trọng thường gây tổn thương mô nghiêm trọng thường dẫn đến sẹo.
- Mụn nang Cysts (nặng): tổn thương sâu vào da gần tương tự như mụn bọc nhưng chúng không bị xơ và bên trong chứa đầy chất lỏng hoặc mủ.
Ngoài ra, việc tự xử lý mụn trứng cá không đúng cách có thể để lại các di chứng như loạn sắc tố da hoặc sẹo. Đây cũng là những tổn thương hay gặp.
Mụn tuổi dậy thì phát triển như thế nào?
Có 4 quá trình cơ bản liên quan đến sự phát triển của các tổn thương mụn tuổi dậy thì:
- Các nang lông bị tắc nghẽn do có quá nhiều tế bào da bình thường. Những tế bào này kết hợp với bã nhờn (một chất nhờn giúp bôi trơn tóc và da), tạo ra một nút trong nang lông.
- Các tuyến sản xuất bã nhờn, được gọi là tuyến bã nhờn, mở rộng và tăng hoạt động trong thời kỳ tuổi dậy thì, thanh thiếu niên, làm sản xuất bã nhờn tăng lên (đặc biệt là mụn dậy thì ở nam). Nhiều tuyến bã nhờn được tìm thấy trên mặt, cổ, ngực, lưng trên và cánh tay trên.
- Sự gia tăng sản xuất bã nhờn cho phép sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên là Cutibacterium acnes (trước đây là Propionibacterium acnes) thường sống trên da.
- Viêm xảy ra do sự phát triển quá mức của vi khuẩn hoặc các yếu tố khác. Điều này có thể dẫn đến vỡ nang và hình thành mụn đỏ hoặc mụn mềm.
Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì.
Tuổi dậy thì là một giai đoạn cơ thể có nhiều sự thay đổi lớn, về cả tâm sinh lý cũng như thể chất. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của các yếu tố khác như thay đổi môi trường sống, lối sống, sinh hoạt thức khuya, nhu cầu thực phẩm dinh dưỡng và sử dụng các loại mỹ phẩm, sản phẩm da là nguyên nhân gây mụn trứng cá.
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ tuổi dậy thì, thanh thiếu niên (hormon giới tính Androgen) làm cho các tuyến bã nhờn mở rộng và sản xuất bã nhờn tăng lên. Ở hầu hết những người bị mụn trứng cá, nồng độ hormone vẫn bình thường, nhưng các tuyến bã nhờn rất nhạy cảm với hormone.
Các yếu tố bên ngoài
Mỹ phẩm gốc dầu có thể góp phần vào sự phát triển của mụn trứng cá. Dầu và mỡ trong các sản phẩm dành cho tóc cũng có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương trên da. Các sản phẩm gốc nước hoặc “không gây dị ứng” ít có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Những người bị mụn trứng cá thường sử dụng xà phòng và chất làm se da.
Chế độ ăn uống
Vai trò của chế độ ăn uống đối với mụn trứng cá còn nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ yếu giữa sữa bò và việc tăng nguy cơ bị mụn trứng cá, có lẽ là do các hormone xuất hiện tự nhiên trong sữa. Tuy nhiên, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy sữa, thực phẩm giàu chất béo hoặc sô cô la làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá.
Stress
Căng thẳng tâm lý có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn. Trong một số nghiên cứu về sinh viên, mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá dường như trở nên tồi tệ hơn trong thời gian căng thẳng gia tăng.
Có thể ngăn ngừa mụn tuổi dậy thì không? Bằng cách nào?
Mụn tuổi dậy thì thường dai dẳng và có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đôi khi gặp nhiều khó khăn trong điều trị. Tuy nhiên mụn tuổi dậy thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được tại nhà nếu bạn biết và hiểu rõ được nó. Bạn có thể tham khảo một số cách sau:
- Rửa mặt không quá hai lần một ngày. Tránh kỳ cọ, ma sát da mặt dễ làm tổn thương da
- Bổ sung đủ nước 2 lít mỗi ngày, tập thói quen uống nước, đừng chỉ uống khi khát: Khi cơ thể mất nước, các tuyến dầu của da sản xuất nhiều dầu hơn. Mất nước cũng làm cho làn da xỉn màu và đẩy nhanh quá trình viêm và mẩn đỏ. Hãy bổ sung đủ 2 lít mỗi ngày, tập thói quen uống nước, đừng chỉ uống khi khát.
- Giữ tóc sạch, không chạm tay lên mặt, không tự ý nặn mụn: các yếu tố đến đều góp phần làm lan tràn vi khuẩn bám vào da làm tình trạng viêm trở nên nặng nề.
- Lựa chọn các sản phẩm da, mỹ phẩm thật cẩn trọng: Tránh các sản phẩm trang điểm và da có chứa dầu. Nếu sử dụng kem dưỡng ẩm nên chọn loại ít gây bít lỗ chân lông.
- Tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều hoa quả và rau củ (đặc biệt là rau củ chứa nhiều Beta-carotene)
- Giảm căng thẳng, áp lưc, duy trì thái độ vui vẻ.
Mụn tuổi dậy thì có tự hết không?
Tuỳ vào cơ địa mỗi cá nhân, mụn trứng cá ở tuổi dậy thì có thể tự hết, thông thường xảy ở mụn trứng cá nhẹ: mụn cám, mụn đầu đen, mụn đầu trắng,….nếu chăm sóc da đúng cách và khoa học. Nhưng cũng có nhiều người bị mụn tuổi dậy thì “đeo bám” đến tuổi trưởng thành, để lại di chứng cho làn da như rối loạn sắc tố hoặc sẹo, gây ảnh hưởng về mặt tâm lý, tự ti trong giao tiếp xã hội khi tình trạng mụn kéo dài.
Thay vì chờ đợi mụn tự hết, hãy có những can thiệp đúng đắn bằng việc thăm khám với bác sĩ để được chỉ định các phương pháp điều trị mụn chuẩn y khoa và hướng dẫn cách trị mụn trứng cá, cách trị mụn bọc ở má, cách trị mụn viêm,…Điều trị mụn sớm cũng là cách giúp bạn mau chóng hết mụn và sớm lấy lại sự tự tin trong cuộc sống.