(HNMO) – Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ có nơi hơn 40 độ C. Nắng nóng với chỉ số tia UV (tia cực tím) ở mức cao gây ảnh hưởng lớn đến làn da. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chống nắng cho da đúng cách.
Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu trung ương về các cách bảo vệ da hiệu quả trong những ngày nắng nóng.
Bác sĩ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu trung ương tư vấn cách chăm sóc da trong mùa hè cho bệnh nhân.
– Xin bác sĩ cho biết, thời điểm nào trong ngày, tia UV gây hại lớn đến làn da?
– Tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương khiến da bị lão hóa, tăng sắc tố, bỏng da, khô da, sạm da… Đặc biệt, tia UV có thể làm tổn thương DNA của tế bào da, dần dần gây ra ung thư da. Tia UV gây hại cho da được xếp vào các cấp độ từ thấp đến cực cao. Ở thể cấp tính, tia UV sẽ gây ra các hiện tượng cháy nắng, bỏng nắng… Với trường hợp tiếp xúc với tia UV kéo dài sẽ gây ra các bệnh mạn tính, như: Nám má, sạm da, tổn thương lão hóa da, nguy hiểm hơn là ung thư da. Thời điểm chỉ số tia UV đạt đỉnh gây hại lớn nhất đến làn da trong ngày là từ 10h-14h. Chính vì vậy, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm này.
– Vậy tình trạng cháy nắng gây nguy hiểm cho làn da như thế nào và mất bao lâu da mới có thể phục hồi, thưa bác sĩ?
– Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị cháy nắng, chủ yếu là những công nhân phải làm việc ngoài trời trong giai đoạn nắng nóng cao điểm. Người bệnh đến khám chủ yếu mắc các triệu chứng da bị đau rát, có cảm giác ấm hoặc nóng khi chạm vào, vùng da hở xuất hiện mảng đỏ hoặc hồng. Thậm chí, có người còn có hiện tượng bong da và nặng hơn là lột da.
Khi da bị cháy nắng, thường mất vài ngày và thậm chí là vài tuần để có thể hồi phục. Cũng có những người tổn thương da nặng có thể gặp những biến chứng khác. Vì vậy, khi bị cháy nắng, tuyệt đối không được chủ quan, không được tự ý điều trị mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.
– Để bảo vệ làn da trước tác hại của tia UV, xin bác sĩ cho biết, việc bôi kem chống nắng như thế nào mới đúng cách?
– Nhiều người bôi kem chống nắng quá ít về lượng và số lần trong ngày. Thậm chí, có người chỉ bôi một lần trong ngày. Trong khi để đạt hiệu quả cao, kem chống nắng phải được dùng đủ từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Tốt nhất nên bôi kem chống nắng trung bình 3 lần/ngày và khoảng 2-3 giờ/lần, trước khi ra nắng 20 phút ở vùng da cần được bảo vệ.
Ngoài ra, nên lưu ý đến chỉ số chống nắng phù hợp với làn da. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Chẳng hạn, khi đi biển vào những ngày nắng nóng gay gắt, nên dùng kem chống nắng có chỉ số SPF 50+. Chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Nếu làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp thì chỉ cần dùng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp hơn.
Tuy nhiên, không có chỉ số chống nắng nào có thể bảo vệ da 100%. Do đó, ngoài việc bôi kem cần che chắn vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng các trang bị bảo hộ, như: Mũ, kính râm, khẩu trang, găng tay, áo chống nắng…
– Với áo chống nắng nên chọn loại nào giúp ngăn chặn tia UV tốt nhất?
– Sử dụng áo chống nắng không phải chỉ đơn giản là tìm một chiếc áo có khả năng che kín các vùng cơ thể và mặc lên người. Cần phải hiểu rõ loại áo, chất liệu và khả năng bảo vệ khỏi tác hại của tia UV. Rất nhiều người vẫn thường mắc các sai lầm khi chọn áo chống nắng. Chẳng hạn như nhiều người lầm tưởng, màu áo càng sáng, chống nắng sẽ càng tốt. Tuy nhiên, các loại áo màu tối có khả năng hấp thụ nhiệt và biến đổi thành nhiệt lượng, có khả năng chống tia cực tím tốt hơn.
Ngoài ra, chất liệu vải cũng là một tiêu chí rất quan trọng. Các loại chất liệu thông thường chỉ có khả năng ngăn chặn được sức nóng từ bên ngoài, không thể ngăn chặn được tia cực tím. Để biết vải áo chống nắng có bảo vệ được da hay không, có thể giơ áo lên ánh sáng mặt trời, nếu nhìn thấy ánh sáng lọt qua vải thì tia UV cũng có thể xuyên thấu đến da. Nên chọn loại áo của các hãng có uy tín, đạt chuẩn UPF (chỉ số chống tia UV). Mặt khác, nên chọn loại áo có mũ, phần tay che được hết cổ và tay.
– Hiện trên thị trường quảng cáo nhiều viên uống chống nắng, chống tia UV. Vậy, khi uống viên chống nắng có cần bôi kem chống nắng, mặc áo chống nắng không, thưa bác sĩ?
– Viên uống chống nắng thực chất là một loại thực phẩm chức năng. Viên này có ưu điểm là dễ sử dụng, tuy nhiên không có tác dụng nhiều trong việc bảo vệ làn da trước các tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời. Do đó, không thể nghĩ rằng, khi uống viên chống nắng là có thể không cần bôi kem chống nắng, không cần mặc áo chống nắng, đội mũ, nón, đeo kính… khi đi ra ngoài trời nắng.