Cuộc sống luôn vận hành và thay đổi, da của chúng ta cũng thế. Nhưng điều đáng buồn là da sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, tạo nên nỗi ám ảnh mang tên lão hoá. Như lẽ tất nhiên, chúng ta không thể ngăn chặn lão hoá, nhưng các dấu hiệu lão hoá có thể giảm hoặc chậm dần dưới sự can thiệp của con người. Hiện nay dưới sự phát triển của ngành công nghiệp thẩm mỹ, chúng ta có nhiều biện pháp giảm lão hoá da như tiêm meso, filler, cấy collagen, hay căng da mặt,…

Hiệu quả của những biện pháp này phụ thuộc vào tay nghề người thực hiện và cả chất lượng uy tín của cơ sở nơi bạn “chọn mặt gửi vàng”. Hơn cả, những biện pháp chuyên sâu này có rủi ro và không khuyến khích mọi người tự mua về và thực hiện tại nhà. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới những biện pháp giảm lão hoá da an toàn, hiệu quả duy trì và có thể thực hiện tại nhà.

Da bạn đang lão hoá ở mức độ nào?

Chúng ta đều đã biết về những dấu hiệu điển hình của lão hoá như da nhăn nheo, chùng nhão. Hay các khuyết điểm như đồi mồi, tàn nhang, vết chân chim,… hình thành trên da. Tuy nhiên, bạn đã biết liệu mình đang lão hoá ở mức độ nào chưa? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Cấp độ 1: lão hoá ở mức độ mô dưới da.

Thông thường, bên dưới da sẽ là lớp mỡ để tạo sự săn chắc, đàn hồi cho da. Được phân bố chuyên biệt theo từng bộ phận trên cơ thể. Khi da mới bị lão hoá, các lớp mỡ này sẽ ít dần. Làm mất đi sự nâng đỡ và căng mịn bên dưới da.

Điển hình như hiện tượng da trán xuất hiện nếp nhăn. Làm lớp mỡ phía trên của má cũng mất dần và chảy xệ xuống phía dưới. Hoặc 2 bên má hóp lại dần,…

Cấp độ 2: lão hoá ở mức độ cân cơ mạc.

Sau lớp mỡ, các cơ bên dưới da của chúng ta cũng sẽ bị lão hoá. Điều này nghiêm trọng hơn, hiện tượng chảy xệ xuất hiện nhiều và rõ ràng. Nhìn vào gương bạn sẽ thấy rãnh mũi má rõ hơn ngay cả khi bạn không cười, hốc mắt cũng trở nên sâu hơn.

Cấp độ 3: lão hoá ở mức độ xương và sụn.

Đây là mức độ lão hoá cao nhất với biểu hiện của việc teo xương và sụn. Sụn đầu mũi và xương gò má là ví dụ cho cấp độ này. Càng già bạn sẽ thấy dưỡng như mũi mình nhìn thấp hơn. Đồng thời, gò má của người già dường như không còn rõ nữa dù lúc trẻ họ là người có gò má cao.

Nguyên nhân thúc đẩy quá trình lão hoá

Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến 2 nguyên nhân chính là con người có thể kiểm soát được.

Tác hại của ánh nắng mặt trời

Nếu như chúng ta cần ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D dưới da. Thì tia UVB và UVA trong ánh nắng mặt trời là kẻ thù hàng đầu gây ra các vấn đề cho da. Đặc biệt là quá trình lão hoá.

Chúng không những làm tổn thương lớp màng bảo vệ của da. Gây ức chế hình thành các hắc tố Melanin. Mà còn gây mất tính đàn hồi, suy thoái chất nền ngoại bào (ECM). Và làm hình thành nếp nhăn trên da.

Môi trường và sinh hoạt không tốt

Các tác gây hại từ bên ngoài lên da như khói bụi ô nhiễm, sử dụng mỹ phẩm chưa hợp lý, tác động cơ học trên da,…

Chế độ ăn uống không đủ chất dinh dưỡng và không bổ sung các thực phẩm chứa thành phần chống lão hoá.

Chế độ sinh hoạt chưa hợp lý như thường xuyên thức khuya, căng thẳng, không luyện tập thể dục,…

Biện pháp giảm lão hoá

Chăm sóc da

Kem chống nắng  

Như đã đề cập ở trên thì tia UV trong ánh nắng mặt trời vô cùng có hại với da, vì thế việc bổ sung một tuýp kem chống nắng có khả năng chống nắng cao là điều buộc phải làm ngay lập tức nếu bạn quan tâm đến làn da của mình.

Bạn nên ý thức được tầm quan trọng của kem chống nắng và tập cho mình thói quen thoa kem chống nắng hằng, kể cả khi thời tiết giá lạnh hay có nhiều mây mù.

Nhưng tuyệt đối không được ĩ vào kem chống nắng mà không thực hiện các biện pháp tránh nắng như che chắn cơ thể mỗi khi ra ngoài.

Cùng với đó, sau một thời gian da ra mồ hôi hoặc khẩu trang làm lớp kem chống nắng của chúng ta không còn nguyên vẹn, khả năng chống nắng cũng được như lúc đầu. Do đó, sau khoảng 3-5 tiếng sử dụng, bạn nên thoa lại 1 lớp kem chống nắng cho da.

Thêm sản phẩm đặc trị vào chu trình dưỡng da của mình

Hiện nay, Retinoids và Vitamin C được xem là 2 thành phần đặc trị hiệu quả nhất để giảm lão hoá trên da. Chúng có nhiều phái sinh, trong đó phải kể đến những loại phái sinh đã có nhiều nghiên cứu minh chứng tính hiệu quả như:

  • Retinol, Retinaldehyde, Retinoic Acid
  • Vitamin C ta có LAA, EAA, SAP, MAP

Về cơ bản thì cả 2 loại hoạt chất này đều có khả năng tăng sinh Collagen. Chúng làm cho da trông khỏe mạnh, đàn hồi và căng bóng hơn. Ngoài ra, vitamin C còn có khả năng hỗ trợ chức năng chống nắng nếu bạn sử dụng trước kem chống nắng đấy!

Vitamin C

Đối với vitamin C cần chúng ta cẩn thận trong quá trình bảo quản vì chúng tương đối dễ bị oxy hoá. Nếu lọ vitamin C của bạn chuyển sang màu vàng sậm như cánh gián thì không nên sử dụng nữa nhé. Tốt nhất bạn hãy chiết ra thành nhiều chai nhỏ và bảo quản chúng trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng.

Retinoid

Retinoids tuy dùng được thời gian dài, nhưng lại có thể gây ra hiện tượng kích ứng cho da. Vì thế bạn nên bắt đầu dùng Retinoids với nồng độ thấp. Và đừng quên đem bên mình ống kem dưỡng có chức năng phục hồi da nhé.

Tretinoin cũng là một chất nổi tiếng trong làng chống lão hoá, tuy nhiên vì nguy cơ kích ứng cao. Đây là sản phẩm được khuyên dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Thậm chí ở các nước tiên tiến, bạn sẽ không thể mua mỹ phẩm có chứa thành phần này mà không có đơn thuốc của bác sĩ. Vì thế, nếu bạn đang tăm tia thành phần này thì hãy thật cẩn thận nhé.

Xây dựng một chu trình chăm sóc da phù hợp.

Để nói về vấn đề phù hợp thì chỉ có bạn mới hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, theo kiến thức khoa học, thì bạn rất cần bước làm sạch. Đừng tin vào những lời quảng cáo như sữa rửa mặt bổ sung vitamin C làm trắng da hay đại loại vậy.

Bạn chỉ cần sữa rửa mặt và sản phẩm tẩy trang thực hiện đúng chức năng làm sạch là đủ rồi. Bên cạnh đó, đừng quên cấp ẩm cho da bằng sản phẩm có chứa Hyaluronic acid. Bởi khi da bạn đủ ẩm thì chúng sẽ trở nên căng bóng mịn màng hơn đấy.