1. Bệnh viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã hay còn gọi là viêm da dầu, chàm da mỡ.
Đây là một bệnh viêm da mạn tính thường gặp với hình ảnh đặc trưng là mảng hồng ban tróc vảy vùng tiết bã (nếp mũi má, chân mày, mang tai, trước ngực, da đầu).
Cụ thể hơn, bệnh này sẽ làm cho da khô và bong ra, làm da đỏ và tróc vảy. Bệnh thường ảnh hưởng đến vùng da hay tiết dầu, tuy nhiên bệnh cũng có thể xuất hiện ở những khu vực da dày và khô.
Ở trẻ em, bệnh này có tên theo dân gian là bệnh “cứt trâu”. Bệnh này không lây nhiễm, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu. Viêm da tiết bã thường tồn tại khá lâu và cần điều trị lặp đi lặp lại nhiều lần.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã nhờn:
Bệnh thường xảy ra khi quá trình tái tạo da bị rút ngắn, dẫn đến sự bong tróc các tế bào lớp sừng nhanh hơn khiến chúng kết dính lại với nhau tạo thành vảy có thể nhìn thấy được.
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da tiết bã nhờn.
Tuy nhiên, có thể giải thích rằng hiện tượng tăng tiết chất bã hay nhờn trên da chính là nguyên nhân khiến da bị viêm.
Bên cạnh đó, các loại nấm hay vi khuẩn như:
- Nấm Malassezia ovale
- Vi khuẩn P. Acne đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh ở vùng da đầu.
Bệnh có liên quan đến một số yếu tố như:
- Do tình trạng da bị nhờn, tiết dầu nhiều: Có mối quan hệ giữa viêm da tiết bã và lượng chất bã, thể hiện rõ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, người trẻ (do hoạt động tuyến bã gia tăng mạnh), vị trí phân bố sang thương là vùng tiết bã nhờn.
- Hormon cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh: Viêm da tiết bã thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, điều này chứng tỏ có sự ảnh hưởng của androgen lên đơn vị nang lông tiết bã.
- Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân gây bệnh: Nếu trong gia đình có người bị bệnh viêm da tiết bã hay vảy nến thì khả năng thế hệ sau bị bệnh này là rất cao…
Các yếu tố thúc đẩy viêm da tiết bã:
- Căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần, bệnh Parkinson, bệnh tâm thần
- Thay đổi nội tiết tố, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, uống rượu , cơ thể mệt mỏi, béo phì, suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Những triệu chứng nhận biết:
Bệnh có những dấu hiệu khác nhau ở người lớn và trẻ sơ sinh, cụ thể:
3.1 Dấu hiệu bệnh ở trẻ sơ sinh:
Triệu chứng thường thấy là vảy lan tỏa, dính trên da đầu, hồng ban màu cá hồi, bề mặt có thể tróc vảy và lan xuống vùng nách hoặc nếp bẹn. Bệnh thường không ngứa nên không thấy trẻ quấy khóc, kể cả khi bệnh lan rộng ra.
3.2 Viêm da tiết bã ở người lớn:
Bệnh thường ảnh hưởng đến da đầu, mặt (rãnh mũi, sau tai, phần trong cung mày) và vùng thân trên.
Biểu hiện điển hình bao gồm:
- Khởi phát vào mùa đông nhưng cải thiện vào mùa hè.
- Ngứa ít.
- Da vùng mặt giữa thường nhờn và khô
- Mảng hồng ban khu trú, tróc vảy hoặc vảy lan rộng trên khắp da đầu.
- Viêm mí mắt khiến mí mắt đỏ, tróc vảy.
- Mảng hồng ban màu cá hồi, đóng vảy, giới hạn không rõ ở vùng nếp 2 bên mặt.
- Mảng hồng ban tróc vảy dạng vòng hoặc hình cánh hoa ở vùng chân tóc và ngực trước
- Phát ban ở vùng nách, dưới ngực, nếp bẹn và các nếp sinh dục.
- Viêm nang lông ở má và vùng thân trên.
Ở nhiều trường hợp, bệnh sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến cả da đầu, cổ và thân nếu người bệnh không biết cách kiểm soát triệu chứng.
4. Những ai là người dễ mắc bệnh?
Ở trẻ sơ sinh, viêm da tiết bã thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường tự khỏi khi trẻ được 6-12 tháng.
Ở người lớn, viêm da tiết bã thường gặp ở những người trẻ và người lớn tuổi, đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc khiến bệnh tiến triển nhanh gồm:
- Da dầu
- Tiền sử gia đình bị viêm da tiết bã hoặc vảy nến
- Ức chế miễn dịch ở người ghép tạng, nhiễm HIV hoặc bị lymphoma
- Người mắc bệnh tâm thần kinh như Parkinson, trầm cảm, liệt thần kinh mặt, tổn thương cột sống, loạn động muộn và một bệnh lý di truyền như hội chứng Down.
- Dùng liệu pháp PUVA để điều trị các bệnh về da
- Thiếu ngủ, stress.
5. Cách kiểm soát bệnh tại nhà:
5.1 Đối với trẻ sơ sinh:
Tắm, gội cho trẻ bằng những loại dầu dùng cho trẻ em hoặc thoa các loại kem dưỡng ẩm, sau đó nhẹ nhàng làm sạch để loại bỏ những mảng da khô.
5.2 Đối với người lớn:
Sử dụng những loại dầu gội có chứa phần kháng nấm ketoconazole, ciclopirox, selenium sulfide, zinc pyrithione, hắc ín và salicylic acid có thể dùng 2 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng và có thể dùng lâu dài nếu cần thiết.
Bôi kem có thành phần kháng nấm ketoconazole hoặc ciclopirox một lần/ngày trong 2-4 tuần, có thể lặp lại nếu cần thiết.
6. Trong trường hợp nào bạn cần phải đến gặp bác sĩ:
Nếu đã áp dụng các phương pháp trên hơn 2 tuần mà tình trạng bệnh không cải thiện hoặc các trường hợp hồng ban lan rộng kéo dài thì bạn nên gặp bác sĩ da liễu.
Khi đó, bác sĩ da liễu sẽ xem xét tình trạng da, mức độ tiến triển của bệnh để đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp.
Viêm da tiết bã là bệnh mãn tính tiến triển theo giai đoạn hoặc cách chăm sóc cơ thể.
Để kiểm soát triệu chứng và “sống chung với bệnh”, bạn cần thực hiện đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hành thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường miễn dịch cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.