Nguyên nhân gây ra mụn viêm
Nhìn chung nguyên nhân chính gây ra tất cả các tình trạng mụn là do bít tắc lỗ chân lông. Khi các chất bít tắc này là bã nhờn, tế bào da chết hay bụi bẩn đơn thuần thì được gọi là mụn không viêm, có thể chia ra là mụn đầu đen hoặc đầu trắng. Khi các chất này tích tụ kèm theo sự phát triển của vi khuẩn, phổ biến là P. acnes, sẽ gây ra các tình trạng mụn viêm như: mụn viêm sưng đỏ, mụn bọc, mụn mủ hay mụn nang.
Ở các vùng bị mụn viêm, các chất bẩn cùng vi khuẩn bị bít tắc ở trong lỗ chân lông gây ra các phản ứng viêm tự nhiên của cơ thể, đó là sự huy động các tế bào bạch cầu đến chỗ viêm để tiêu diệt vi khuẩn. Quá trình này sẽ làm cho chúng ta thấy vùng mụn sưng, nóng, đỏ và đau. Mụn mủ chính là các ổ xác vi khuẩn và các tế bào da xung quanh mụn bị tiêu diệt bởi đại thực bào để lại. Và mụn nang hay mụn mạch lươn là trường hợp nặng nhất khi các tế bào đã bị hủy hoại nhiều và chắc chắn để lại sẹo sau mụn.
Loại mụn | Hình dáng | Phản ứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) | Khả năng để lại sẹo |
Mụn đầu đen | Có khối bã nhờn, bụi và da chết tích tụ trong lỗ chân lông, đầu hở ra ngoài da bị oxi hóa nên có màu đen | Không có phản ứng viêm | Không |
Mụn đầu trắng | Khối mụn ẩn dưới da, sờ thấy sần, cứng | Không có phản ứng viêm | Không |
Mụn sưng đỏ | Khối mụn dưới da, sưng đỏ và gây đau khi chạm vào | Có phản ứng viêm, tình trạng nhẹ | Không – trừ khi nặn mụn không đúng cách, làm tổn thương vùng da xung quanh |
Mụn mủ | Như mụn sưng đỏ, kích thước lớn hơn và có mủ màu trắng đục hoặc trắng ngà khi vỡ ra | Có phản ứng viêm, tình trạng vừa đến nặng, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lí người bị mụn | Ít khi để lại sẹo nếu được điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp |
Mụn nang | Ổ mụn và mủ với kích thước lớn, phá hủy các tế bào tầng sâu của da | Có phản ứng viêm, tình trạng nặng, gây ảnh hưởng và hậu quả nhiều sau điều trị | Khả năng cao để lại sẹo – tình trạng sẹo chỉ phục hồi được khoảng 80% sau điều trị |
Cách trị mụn viêm bằng thuốc
Theo như mình đã phân tích ở trên thì mụn viêm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn như vết thâm, sẹo và sẽ làm chúng ta mất tự tin trong giao tiếp, trong cuộc sống. Vậy thì điều trị mụn, đặc biệt là mụn viêm như thế nào là chuẩn y khoa và hiệu quả nhất?
Tùy thuộc vào tình trạng mụn mà bác sĩ da liễu có thể khuyến cáo bạn nên khởi đầu điều trị với các thuốc không kê đơn hay cần một phương pháp chuyên sâu hơn. Nếu bạn bị mụn viêm nặng như mụn mủ hay mụn nang, bạn cần được khám kĩ hơn tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được tư vấn phác đồ điều trị hợp lí nhất.
Cách trị mụn viêm bằng thuốc không kê đơn OTC
Nếu tình trạng mụn của bạn đang ở mức mụn viêm sưng đỏ, nhẹ đến vừa thì có thể cân nhắc các thuốc không kê đơn sau:
- Benzoyl Peroxide: là biệt dược giúp tiêu diệt vi khuẩn P.acnes – vi khuẩn gây mụn chủ yếu trên da. Ngoài ra, BP còn làm giảm phản ứng viêm, giảm đỏ. Tuy nhiên, BP cũng gây ra tình trạng khô da, do đó tốt nhất chỉ nên bôi BP lên nốt mụn.
- Salicylic acid: có tác dụng làm rụng nhân mụn cũng như là loại bỏ các tế bào da chết từ sâu bên trong lỗ chân lông giúp cho lỗ chân lông thông thoáng. Do đó, acid salicylic không những có tác dụng làm giảm mụn viêm, sưng mà còn ngăn ngừa mụn tái phát. Với sản phẩm chứa acid salicylic bạn có thể dùng cho toàn mặt, tuy nhiên nó cũng gây khô da nên cần lưu ý dưỡng ẩm đầy đủ cho da sau khi sử dụng sản phẩm chứa salicylic acid.
- Sulfur: Bạn có thể thấy thành phần này trong một số sản phẩm chăm sóc da. Tuy nhiên, Sulfur có tác dụng tốt đối với tình trạng mụn nhẹ đến vừa, không viêm. Đối với mụn viêm, Sulfur khá là vô thưởng vô phạt, khôn làm nặng thêm nhưng cũng không có tác dụng điều trị.
Sử dụng thuốc bôi ngoài da điều trị mụn viêm
Đối với tình trạng mụn viêm mức độ vừa – nặng, bác sĩ da liễu có thể cân nhắc kê các loại thuốc bôi hoặc uống như:
- Retinoids bôi: Retinoids là dẫn xuất mạnh của Vitamin A – có tác dụng loại bỏ các tế bào chết, phục hồi và tái tạo cấu trúc da. Bạn có thể gặp thành phần này trong một số sản phẩm chống lão hóa không kê đơn, hay thuốc kê toa như Differin hay Retin-A, đã được kiểm chứng là có hiệu quả điều trị rất tốt đối với các trường hợp mụn viêm. Tuy nhiên thì các phản ứng như đổ và bong tróc da lúc ban đầu do Retinoids gây ra cũng làm cho da chúng ta nhạy cảm hơn với tia UV, do đó tốt nhất nên sử dụng sản phẩm vào ban đêm và dùng kem chống nắng đầy đủ vào ban ngày, khi ra ngoài hoặc tiếp xúc lâu dưới nắng cần thoa lại kem chống nắng 4h/lần.
- Kháng sinh tại chỗ: Khác với kháng sinh đường uống, bạn chỉ được chỉ định trong một thời gian ngắn, thì với kháng sinh đường bôi, bạn có thể được chỉ định bôi đều đặn sáng và tối, trong thời gian có thể tới 2 tháng. Mặc dù, kháng sinh đường bôi tại chỗ sẽ không có được tác dụng như đường uống. Tuy nhiên, nó cũng đã được chứng minh lâm sàng là có tác dụng đối với các tình trạng mụn cụ thể như mụn sưng viêm, mụn mủ và mụn bọc, mụn nang.
Thuốc điều trị mụn viêm
- Isotretinoin: Là dẫn xuất của Vitamin A, là thuốc uống kê đơn hiệu quả nhất được chỉ định cho các tình trạng mụn viêm nặng, tái đi tái lại nhiều lần. Do gây ra không ít các tác dụng phụ, nên Isotretinoin thường được kê cho các tình trạng mụn nặng, không đáp ứng với retinoids. Isotretinoin là thuốc chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai, có ý định có thai hay đang cho con bú.
- Kháng sinh đường uống: Nếu tình trạng mụn của bạn được xác định do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn P.acnes gây ra, thì bác sĩ da liễu có thể kê cho bạn các kháng sinh này để tạm thời kiểm soát vi khuẩn. Các trường hợp mụn nang lan rộng thì thường được kê kháng sinh đường uống kèm theo.
- Liệu pháp hóc-môn: Một số trường hợp mụn được gây ra bởi sự mất cân bằng hóc-môn trong cơ thể. Đối với các trường hợp này bác sĩ có thể kê các thuốc làm giảm nội tiết tố. Bên cạnh đó, thì các thuốc tránh thai cũng phần nào hỗ trợ giảm mụn đối với phụ nữ trước và trong chu kì kinh nguyệt. Một số thuốc như Spironolactone, một loại thuốc ức chế androgen, cũng cho thấy có hiệu quả điều trị mụn nang hay mụn mủ hình thành do sự gia tăng bất thường nồng độ androgen trong cơ thể.
Phẫu thuật thẩm mỹ trị mụn viêm sưng đỏ nhanh chóng
Ngoài các phương pháp điều trị bằng đường bôi và đường uống, thì còn có các phương pháp xâm lấn giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và cải thiện tình trạng da mụn. Các phương pháp này gồm có:
- Lăn kim: có thể lăn kim bằng tay hoặc bằng máy. Liệu pháp này giúp loại bỏ các tế bào sừng già, loại bỏ các nhân sừng gây bít tắc vùng phễu nang lông, tạo đường dẫn đưa các dưỡng chất sâu vào da. Qua quá trình này sẽ giúp kích thích tái tạo lớp tế bào da mới mịn màng hơn, loại bỏ mụn đầu đen và đầu trắng. Sau khi lăn kim, lớp sừng bị bong tróc và mụn ẩn dưới da được đẩy lên nên chúng ta thường có cảm giác mụn nhiều hơn, nhưng chính quá trình này giúp da chúng ta được cải thiện nhiều nhất.
- Chemical Peel: là phương pháp sử dụng các chất hóa học như Glycolic acid, Mandelic acid, Tricloroacetic acid (TCA), Salicylic acid, Retinol… để làm bong tróc lớp tế bào thượng bì giúp làm sáng, giảm tiết nhờn, thu nhỏ lỗ chân lông và tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất của da.
- Laser: Điều trị bằng phương pháp laser không chỉ giới hạn ở điều trị mụn mà còn có hiệu quả trong việc điều trị xóa sẹo do mụn để lại. Các tia laser với tần số và bước sóng khác nhau sẽ được bác sĩ da liễu chỉ định để điều trị cho từng tình trạng da. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, tuy nhiên cần được khám và thực hiện ở cơ sở uy tín để tránh những tác dụng không mong muốn.
Nhìn chung các phương pháp điều trị xâm lấn thì có hiệu quả điều trị tốt hơn, thời gian điều trị được giảm rất nhiều so với các phương pháp bôi hay uống. Tuy nhiên thì điều trị theo các phương pháp này cũng đòi hỏi bạn phải được thăm khám và lên phác đồ cẩn thận với các bác sĩ, chuyên gia da liễu, chi phí tất nhiên cũng sẽ cao hơn và đòi hỏi chăm sóc sau điều trị chuyên sâu hơn.
Mẹo chăm sóc da có mụn viêm
Một số lưu ý khi chăm sóc da mụn, đặc biệt là mụn viêm sưng:
- Không cố gắng nặn mụn tại nhà, vì các thao tác không đúng cách cũng như dụng cụ không đảm bảo chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng viêm hoặc để lại vết thâm rộng do tổn thương vùng da xung quanh nốt mụn.
- Làm sạch da sáng và tối với sữa rửa mặt hợp lí. Ví dụ: buổi tối bạn có thể dùng một loại sữa sửa mặt kết hợp AHA/BHA để làm sạch kĩ hơn, còn buổi sáng thì dùng một loại sữa rửa mặt dịu nhẹ hơn.
- Luôn cấp ẩm và khóa ẩm đầy đủ. Nếu bạn cho bỏ qua bước dưỡng ẩm có thể khiến cho da tiết dầu nhiều hơn, như một cơ chế bảo vệ tự nhiên, và điều này khiến cho tình trạng mụn càng nặng và trầm trọng hơn.
- Duy trì thói quen sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV. Kể cả khi bị mụn da của bạn vẫn cần được bảo vệ, do đó hãy chọn một loại kem chống mỏng nhẹ.
- Nếu bạn trang điểm hằng ngày, hãy chọn các sản phẩm không chứa dầu và không chứa hương liệu vì những thành phần này có thể gây ra bít tắc lỗ chân lông, gây mụn. Tuyệt đối không bỏ qua bước tẩy trang bằng các loại nước tẩy trang chuyên dụng.
- Chế độ sinh dưỡng và tập luyện cũng ảnh hưởng đến hoạt động tiết dầu của da, gây ra tình trạng mụn.