Bớt hori là gì?
Bớt hori là dạng rối loạn tăng sắc tố da. Tên tiếng anh của bệnh là Abnom với biểu hiện là các đốm dát hình tròn màu xanh-nâu hoặc xám, tập trung thành nhóm ở vùng gò má đối xứng hai bên. Bệnh thường xuất hiện sau tuổi 20 và hướng đến người Châu Á nhiều hơn.
Trong mô bệnh học của bớt Hori, có sự xuất hiện của các tế bào melanocyte hình dạng bất thường ở lớp bì nhú và không làm thay đổi cấu trúc khác của mô học da. Bớt Hori không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ da. Do đó, việc làm mờ bớt hori là cần thiết để chị em có thể tự tin hơn trong cuộc sống.
Chẩn đoán bớt hori
Bớt Hori có thể được chẩn đoán dựa trên khám lâm sàng. Tuy nhiên, nếu không có kiến thức chuyên môn chúng ta sẽ rất có thể nhầm lẫn bớt hori và nám da hoặc bớt ota. Do đó, chẩn đoán phân biệt bệnh là cần thiết để chúng ta lựa chọn điều trị đúng cách nhất.
Bớt Hori
Đặc trưng bởi các dát tăng sắc tố màu xanh- nâu- đen xuất hiện gần như đối xứng trên các vùng má, vùng mũi và hai bên trán ở phụ nữ trung niên và xuất hiện sau tuổi dậy thì. Bệnh có thể xuất hiện đồng thời với các tình trạng tăng sắc tố da khác như nám da, tàn nhang.
Nám da
Nám da là tình trạng tăng sắc tố da thường không có giới hạn rõ ràng, dát tăng sắc tố có cấu trúc dạng lưới và có xu hướng đậm hơn, lan rộng theo thời gian. Có thể sử dụng đèn wood để xác định phần nám thượng bì có thể giúp phân biệt chính xác với bớt Hori.
Bớt Ota
Khác với bớt Hori, bớt ota thường xuất hiện từ bé. Tình trạng tăng sắc tố da thường chỉ xuất hiện một bên và trên một vùng niêm mạc rộng. Màu sắc của bớt này cũng đậm hơn và gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ da…
Để có chẩn đoán phân biệt rõ ràng sinh thiết da là cần thiết. Việc này sẽ được tiến hành tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm mang lại kết quả chuẩn xác nhất. Do đó, nếu bạn đang nghi ngờ mình bị bớt Ota có thể đến các phòng khám chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ trợ giúp.
Nguyên nhân gây bớt Hori là gì?
Theo các bác sĩ, bớt hori có thể được hình thành sau năm 20 tuổi với nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có hai nguyên nhân phổ biến nhất gồm:
- Sự phân bố lạc chỗ của các tế bào biểu bì tạo hắc tố (tế bào melanocyte) chưa trưởng thành và chưa được hoạt hóa ở lớp bì nhú từ khi được sinh ra.
- Sự kích hoạt quá trình tổng hợp melanin của melanocyte bởi một trong các yếu tố sau: Tia UV, sự gia tăng của hormone sinh dục, mang thai, viêm mãn tính như viêm da cơ địa…